logo
Địa chỉ: Số 21 Đường số 1, KDC CityLand (18 Phan Văn Trị), Phường 10, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh - Tel: 028.66.86.1643 - Email: entecvn@yahoo.com
Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Tăng cường hiệu quả quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Ngày 22/5, tại Quảng Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UNDP Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đối tác về đa dạng sinh học và sử dụng bền vững dịch vụ hệ sinh thái. 
 
 
Diễn đàn có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học, ông Đỗ Xuân Lân – Đại diện Bộ NN&PTNT; ông Michael Croft – Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam và ông Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học và các cơ quan truyền thông.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, đa dạng sinh học (ĐDSH) và các dịch vụ hệ sinh thái đóng vai trò thiết yếu cho sinh kế người dân Việt Nam. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của hệ sinh thái và chất lượng đa dạng sinh học đang bị suy giảm qua các thập kỷ, kéo theo các dịch vụ hệ sinh thái cũng đang ngày càng bị đe dọa. Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2009-2013 gửi Công ước Đa dạng sinh học, mối đe dọa này đến từ những nguyên nhân khách quan như áp lực tăng dân số, khai thác và sử dụng quá mức các nguồn đa dạng sinh học, tác động của biến đổi khí hậu, và cả những nguyên nhân chủ quan như hệ thống quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chưa thống nhất, văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách bảo vệ ĐDSH chưa đồng nhất, thiếu thực tiễn. Công tác quản lý ĐDSH thiếu cơ chế điều phối, dẫn đến chồng chéo các chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành và các bộ liên quan.  

Theo báo cáo đánh giá dịch vụ hệ sinh thái toàn cầu 2019 cho thấy ước tính trên thế giới 4 tỷ người sử dụng thuốc có nguốc gốc tự nhiên chăm sóc sức khỏe, 70% các loại thuốc chữa ung thư có nguồn gốc tự nhiên hoặc sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, 75% các loại cây trồng toàn cầu gồm các loại cây ăn quả, rau và nhiều cây công nghiệp khác như cà phê, ca cao và hạnh nhân ... thụ phấn nhờ các loài động vật. Với vai trò đặc biệt quan trọng của đa dang sinh học như vậy, chủ đề ngày đa dạng sinh học năm 2019 đã được lựa chọn là “Đa dạng sinh học của chúng ta, thực phẩm của chúng ta, sức khỏe của chúng ta”. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng, mối quan hệ trực tiếp, tác động hàng ngày của đa dạng sinh học đến cuộc sống của chúng ta.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh là tỉnh có đa dạng sinh học cao, các loài bản địa trên địa bàn là báu vật, được coi là tài sản của tỉnh. Bảo tồn đa dạng sinh học là trọng tâm của sự phát triển bền vững, qua đó hỗ trợ cho cuộc sống và sinh kế của người dân để duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Bảo tồn đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do áp lực từ  phát triển kinh tế, xã hội, biến đổi khí hậu, sự xuất hiện của một số loài sinh vật xâm hại làm giảm tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

 

“Chúng tôi đã và đang triển khai nhiều giải pháp về quản lý bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và tại các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc tỉnh như: tổ chức quản lý bảo tồn nguyên vị hệ sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên; tổ chức thí điểm giám sát đa dạng sinh học tại vinh Hạ Long, bảo tồn một số nguồn gen bản địa có giá trị,…” – Ông Phạm Văn Cường cho biết thêm.

 

Ông Phạm Văn Cường cam kết sẽ tham gia hợp tác, liên kết trong quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam nói riêng và khu vực, quốc tế nói chung vì mục đích chung đa dạng sinh học vì sự sống, sự phát triển bền vững.

 

Tiếp đó, đại diện các Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT đã có các bài giới thiệu về kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học và việc thực hiện ở Việt Nam; chính sách bảo tồn đa dạng sinh học trong lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản. Các đối tác phát triển cũng đã phát biểu về định hướng, ưu tiên và các Chương trình hỗ trợ.

 

 

Ông Michael Croft nhấn mạnh: “Chương trình khoa học tự nhiên của UNESCO khuyến khích các giải pháp dựa trên khoa học và tự nhiên để sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý hệ sinh thái, tăng cường giao diện giữa khoa học, chính sách và xã hội ở cấp quốc gia và địa phương. Chương trình của UNESCO nỗ lực củng cố vai trò và tiềm năng của Khu dự trữ sinh quyển và các địa điểm liên kết khác được UNESCO công nhận thông qua việc thực hiện các sáng kiến ​​và nghiên cứu đổi mới về môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó trực tiếp đóng góp vào việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, Chiến lược biến đổi khí hậu và các thỏa thuận môi trường quốc tế khác như Mục tiêu đa dạng sinh học ở tỉnh Aichi và UNFCCC Thỏa thuận COP 21 Paris.”

 

 

 

Cũng tại cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi và thống nhất một số nội dung về chính sách các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Chia sẻ:
HỘI BẢO VỆ THIÊN NHIÊN & MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM
2019 Copyright © TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG (ENTEC) . Web Design by Nina.vn
Hotline: 028.66.86.1643
Chỉ đường icon zalo Zalo: SMS: 028.66.86.1643